Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại vải được sử dụng trong may mặc cùng với nhiều loại giá khác nhau. Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng băn khoăn luôn là câu hỏi "Tại sao sản phẩm áo thun đều ghi cotton 100% nhưng lại có rất nhiều giá khác nhau? " Để giải đáp thắc mắc cũng như giúp cho người tiêu dùng hiểu được giá trị thật sự để tránh mua hàng kém chất lượng. Chúng ta cùng tìm hiểu thế nào là vải cotton 100% và vải cotton Poly.
1. Vải cotton là gì
Vải cotton là loại vải được may từ sợi cây bông gòn, vốn là loại cây gần gũi trong sinh hoạt, được sử dụng phổ biến để làm lớp lót cho quần áo, giúp con người chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết.
Cây bông gòn có nguồn gốc từ Châu Mỹ và một khu vực nhiệt đới ở miền tây Châu Phi. Trải qua tiến trình phát triển của xã hội loài người cùng các hoạt động giao lưu thương mại giữa Đông – Tây, cây bông gòn bắt đầu xuất hiện tại Châu Á. Tại Việt Nam, cây mọc nhiều ở các tỉnh Bắc và Bắc Trung Bộ.
Về quy trình làm vải: Sau khi thu hoạch, xơ bông sẽ được làm sạch để loại bỏ bụi bẩn, vỏ khô dính trên sợi. Sau đó chúng sẽ được xé cho tơi và đưa vào lò hơi để làm sạch thêm lần nữa.
Lúc này, sợi xơ bông sẽ được trộn với một hỗn hợp dung dịch đặc biệt, rồi đưa vào máy kéo sợi. Tiếp theo đó là bước dệt và nhuộm màu. Nhìn chung, công đoạn để tạo ra vải cotton không hề phức tạp. Điều khiến cho giá vải cotton cao là nguồn nguyên liệu tự nhiên và những ưu điểm tuyệt vời mà nó mang lại cho người sử dụng.
Bên cạnh ứng dụng may vải, sợi bông gòn còn được dùng để làm chất nhồi tạo sự êm ái cho gối, đệm xe và lớp cách âm cách nhiệt. Hạt bông gòn thì được sử dụng để nấu xà phòng và làm phân bón hữu cơ.
Vải cotton không chỉ được may từ nguyên liệu sợi bông tự nhiên 100%, ngày nay, để hạ giá thành sản phẩm và đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, vải cotton còn được pha thêm các sợi khác. Những loại sợi này còn có tác dụng khắc một số nhược điểm nhất định của vải cotton. Chúng ta sẽ được tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết.
Hiện nay, vải cotton được chia làm các loại sau:
- Cotton 100% tự nhiên
- Cotton pha Spandex
- Cotton – Poly
- Cotton lụa
- Cotton Satin
- Cotton Nhung
2. Ưu – nhược điểm vải cotton
Ưu điểm vải cotton:
- Vải cotton vốn nổi tiếng về sự thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt. Bề mặt vải sở hữu cấu trúc dệt nhiều ô hở, giúp cho không khí và hơi nước dễ dàng lưu thông và thoát đi. Chính nhờ đặc điểm này, vải phù hợp để may các trang phục cho trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ khỏi tình trạng hăm, mẩn do độ ẩm.
- Độ bền cao là ưu điểm tiếp theo của vải cotton. Vải có thể chịu được sự kéo căng từ nhiều phía mà không xảy hiện tượng bục rách. Ngày nay trong quá trình sản xuất vải cotton, người ta còn bổ sung thêm các chất hóa học khác để tăng cường độ bền cho vải, chống lại tình trạng mủn, bung nhão.
- Thân thiện môi trường: Do được làm từ 100% sợi bông nên vải hoàn toàn có khả năng phân hủy trong môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, có thể nói rằng việc sử dụng vải cotton 100% thay vì các loại sợi tổng hợp chính là góp phần bảo vệ Trái Đất.
Bên cạnh ưu điểm, vải cũng sở hữu một vài nhược điểm mà một trong số đó chính là nỗi ám ảnh của các chị em nội trợ:
- Dễ nhăn: Không chỉ bị nhăn sau khi giặt máy, những trang phục được gấp gọn trong tủ đồ cũng dễ dàng hình thành vết nhăn hơn so với các loại vải khác. Thậm chí, vải cotton sau khi được ủi thẳng thớm cũng nhanh chóng nhăn hơn, khiến bạn không ít lần rơi vào tình huống xấu hổ vì bị hiểu lầm là tác phong thiếu chỉn chu đấy!
- Ít co giãn: Nói là vậy nhưng thực tế vải cotton vẫn có khả năng co giãn nhẹ nhàng. Nhưng vải vẫn gây khó chịu cho người mặc khi thực hiện một số động tác cơ thể.
- Giá thành cao: Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người e ngại việc sở hữu các sản phẩm làm từ vải cotton
So sánh vải cotton 100% và vải cotton poly
Khi đi mua vải cotton, bạn thường sẽ được chủ cửa hàng giới thiệu về cotton poly – một loại vải nghe có vẻ giống cotton nhưng lại có giá thành phải chăng hơn so với hàng “hịn” 100% sợi cotton tự nhiên. Điều này cũng khiến nhiều người phân vân không biết cotton và cotton poly thì có gì khác biệt? Có nên mua cotton poly để tiết kiệm tài chính hay không?
Vậy cotton poly là gì?
Nếu như cotton 100% là loại vải được dệt từ 100% sơi bông gòn thì cotton – poly là loại vải được pha bởi 2 loại sợi: cotton và polyester. Với những ai chưa biết, polyester là một loại sợi được tổng hợp từ các chất có nguồn gốc nhựa, ưu điểm của loại sợi là giá thành rẻ và độ bền cao.
Bởi vì có giá thành rẻ, nên việc pha sợi Polyester cùng sợi cotton sẽ giúp thành phẩm cuối cùng có giá thành “dễ chịu” hơn so với cotton 100%. Cotton Poly được chia làm 2 loại chính gồm:
- Cotton-Poly 65/35: là sự kết hợp giữa sợi cotton và sợi polyester theo tỉ lệ 65% – 35%. Loại vải này nghiêng về tính chất của vải cotton nhiều hơn: khả năng thấm hút cao, độ bền cao. Nhờ có thêm 35% sợi Polyester nên vải cũng hạn chế được tình trạng nhăn, nhàu. Tuy vậy, vải không đem lại cảm giác thực sự mềm mại như cotton 100%.
- Cotton – Poly 35/65: là sự kết hợp giữa sợi cotton và sợi polyester theo tỉ lệ 35% – 65%. Loại vải này sở hữu độ co giãn tốt hơn so với vải cotton 100% và cả cotton poly 65/35. Chúng thường được ứng dụng để may các loại áo thun năng động. Tuy vậy nhược điểm của loại vải là nóng nực và độ bền kém hơn so với cotton 100% tự nhiên.
Cách phân biệt Cotton Poly và Cotton 100%
1. Phương pháp trực quan:
+ Vải thun sợi PE: Mặt sợi PE bóng, láng , khi cầm thấy hơi sột soạt. Vò nhẹ không bị nhàu.
+ Vải cotton 100% : Khi cầm thấy mềm mịn mát tay, mặt vải không bóng . Khi vò nhẹ mặt vải để lại nếp nhăn
2. Phương pháp nhiệt học:
+ Poly : Khi cháy có mùi nhựa thoang thoảng do thành phần sợi Polyeste , khi cháy hết để lại tro vải sẽ bị vón cục.
+ Cotton 100% : Do thành phầm chủ yếu là xenlulozơ (thành phần chính của gỗ kim) vì vậy khi đốt sẽ có mùi như giấy cháy và tro vải có màu xám, mịn và tan nhanh.
3. Phương pháp thử bằng nước:
+ Cotton Poly : Do thành phần % polyeste nhiều nên thời gian thấm hút nước rất chậm . Diện tích loang nước trên về mặt vải poly nhỏ.
+ Cotton 100%: Thời gian thấm nước nhanh, diện tích loang nước trên bề mặt vải rộng.
Nguồn: sưu tầm Internet